Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Năm C
Ds 6:22-27; Gl 4:4-7; Lc 2:16-21
Trong Năm Phụng vụ, Giáo hội thiết lập những lễ kính Đức Maria vào những ngày lễ khác nhau. Ba lễ trọng thể, kính Đức Mẹ với những tước hiệu khác nhau, được thiết lập là:
Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (1-1); Lễ Đức Mẹ Lên Trời (15-8); Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8-12). Ngoài ra còn có những ngày lễ khác kính Đức Mẹ trong suốt năm phụng vụ như sau:
Lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11-2). Tại Lộ Đức bên Pháp, Đức Mẹ hiện ra mười tám lần vào năm 1858 với Bernadette, một thiếu nữ nghèo nàn, lại yếu sức khoẻ, mắc bệnh dịch và chứng xuất huyết. Năm 13 tuổi Bernadette mới được đi học miễn phí tại viện dục anh của các sơ bác ái Nevers. Lần đầu tiên Đức Mẹ hiện ra tại hang đá khi Bernadette được 14 tuổi đang đi kiếm củi với em và bạn. Trong những lần hiện ra, Đức Mẹ bảo Bernadette truyền bá sứ điệp: Cải thiện Đời sống và năng Cầu nguyện, đặc biệt cầu nguyện theo chuỗi kinh Mân côi cho người có tội trở lại. Lần hiện ra thứ mười sáu, Đức Mẹ nói: Ta là Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm (Que Soy Era Immaculada Concepcion).
Được Đức Mẹ hiện ra, Bernadette ấp ủ ý nguyện sống đời tận hiến. Tuy nhiên nhà nghèo, lại không có của hồi môn, nên ý nguyện không được thực hiện. Phúc thay, khi Đức Cha Địa phận Nevers đến thăm, giới thiệu cho Bernadette đi tu dòng Bác ái Nevers mà không phải trả hồi môn, Bernadette xin vào dòng năm 1864. Bề trên cho phép Chị về Lộ Đức dự lễ khánh thành hang đá 15/5/1866 và thánh lễ đầu tiên tại hang đá ngày 21 và được phép ở lại Lộ Đức một tháng rữa nữa. Chị khấn trọn đời năm 1878. Hai tháng sau bị chứng suyễn nặng, ho ra máu, liệt giường và trút hơi thở 1879 lúc 35 tuổi.
Hằng năm từ 1964 có trên dưới ba triệu khách hành hương từ khắp năm châu đến viếng thăm Lộ Đức để cầu nguyện, đền tội, tắm nước suối và xin nước suối mang về, gồm hàng chục ngàn bệnh nhân đến cầu xin với Đức Mẹ cho được khỏi bệnh (1). Đến viếng thăm Lộ Đức, chứng kiến cảnh bệnh nhân nằm trên xe lăn bầy tỏ đức tin, cầu xin cho được khỏi bệnh, khách hành hương thực sự muốn tìm hiểu sẽ cảm thấy đức tin của mình được đổi mới. Từ khi bước qua ngưỡng cửa năm 2000, người ta cũng thấy có những người Hồi Giáo đến Lộ Đức và Fatima kính viếng Mẹ và họ gọi tên Mẹ là Miriam. Hôm nay cũng là ngày thế giới cầu nguyện cho bệnh nhân.
Lễ Truyền Tin (25-3). Đây là lễ sứ thần Gáp-ri-en truyền tin cho trinh nữ được thụ thai một cách huyền diệu do quyền phép Chúa Thánh Thần và sinh hạ một con trai và đặt tên con trẻ là Giê-su (Lc 1: 26-38). Theo chương trình quan phòng của Thiên Chúa, trinh nữ Maria đóng một vai trò quan trọng trong việc sinh hạ Đấng Cứu tinh nhân loại.
Lễ Đức Mẹ Fatima (13-5). Tại Fatima, bên nước Bồ Đào Nha, vào ngày 13 Tháng 5, 1917, Đức Mẹ hiện ra với ba em: Lucia (10 tuổi) và hai em họ là Phanxicô (9 tuổi) và Jacinta (7 tuổi) đang chăn cừu trên sườn sườn đồi Cova da Iria. Từ đó Đức Mẹ tiếp tục hiện ra năm lần nữa vào cùng ngày 13 cho tới Tháng Mười. Riêng lần thứ bốn, Đức Mẹ hiện ra ở Valinhos vào ngày 19 tháng 8, vì ngày 13 các em bị viên quận trưởng địa phương bắt nhốt trong nhà giam. Ông điều tra và đòi các em hứa không được trở lại đồi Cova da Iria nữa vì từ chiều ngày 12 Tháng 8 dân chúng đã tìm về Cova để mong hỏi các em về việc Đức Mẹ hiện ra. Trong sáu lần hiện ra, Đức Mẹ kêu gọi cầu nguyện, đặc biệt theo chuỗi kinh Mân côi, hoán cải tâm hồn, sám hối tội lỗi, và tôn sùng Trái tim Mẹ. Lần hiện ra cuối cùng, Đức Mẹ nói: Mẹ là Đức Mẹ Mân Côi. Lần này có sự hiện diện của bảy mươi ngàn người, chứng kiến phép lạ mặt trời quay tròn. Vào năm 1918, một bệnh cúm lạ gọi là ‘Cúm Tây Ban Nha’ bộc phát trong miền, khiến nhiều người thiệt mạng. Phanxicô và Jacinta cũng mắc bệnh nặng.
Năm 1919, Phanxicô qua đời trên giường bệnh sau khi được rước lễ có mọi người trong gia đình vây quanh giường. Còn Jacinta thì ra đi cách lặng lẽ ở Lisbon vào năm 1920 sau khi được xưng tội và rước lễ mà không có thân nhân tham dự. Phanxicô và Jacinta và cả Lucia được Đức Mẹ hứa đem về trời trong khi hiện ra lần đầu và lần thứ hai. Năm 1921 chị Lucia xin vào trường Vilar của dòng Thánh Dorothy; rồi xin nhập dòng; bận áo dòng; khấn tạm, rồi khấn trọn năm 1934. Năm 1948, chị xin chuyển sang dòng kín Camêlô thánh Têrêsa. Chị được phép trở lại Fatima một số lần vào những dịp lễ kỉ niệm đặc biệt (2). Ngày 13 Tháng 5, 2000, Phanxicô và Jacinta được phong Á Thánh tại Vương Cung Thánh Đường Fatima. Vào dịp trọng đại này, chị Lucia cũng được phép trở về Fatima dự lễ phong Á thánh của hai em.
Hằng năm khách hành hương từ khắp thế giới đến Fatima cầu nguyện nhất là vào những ngày 12-13 mỗi tháng, trừ ra vào Tháng 12. Riêng vào những ngày 12-13 Tháng Năm và 12-13 Tháng Mười, là hai dịp kỉ niệm Đức Me hiện ra lần đầu và lần cuối, mỗi dịp được ước lượng có cả trăm ngàn người tới cầu nguyện. Vào cuối tuần còn có những chuyến xe chở người bản xứ đến cầu nguyện và hội thảo. Tưởng cũng nên biết, nước Bồ Đào Nha một thời bị người Hồi Giáo chiếm đóng và họ đặt tên một làng tại nơi Đức Mẹ hiện ra sau này, là Fatima, trùng với tên của ái nữ của tiên tri Mahomét, người lập ra Hồi Giáo. Lễ Đức Mẹ Fatima được mừng kính trong giáo hội địa phương từ năm 1930; sau lan rộng ra khắp thế giới từ năm 2002.
Lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabét (31-5). Được sứ thần loan báo là bà chị họ vừa thụ thai trong lúc tuổi già, trinh nữ Maria liền lên đường đến miền núi, viếng thăm và phục vụ bà Êlisabét trong thời gian ba tháng. Nghe tiếng bà Maria chào, hài nhi trong lòng bà Êlisabét nhảy mừng và bà Êlisabét cất tiếng ca tụng bà Maria mà Giáo hội mượn để đọc kinh Kính mừng Maria. Còn bà Maria thì cất tiếng chúc tụng Thiên Chúa trong kinh Ngợi khen – Magnificat (Lc 1:39-56).
Lễ Đức Mẹ núi Camêlô (16-7). Xưa kia trên núi Camêlô, ngôn sứ Êlia cho lập bàn thờ, dâng hi lễ tôn vinh Thiên Chúa (1V 18:20-40). Vào thế kỉ 12, cũng trên núi Camêlô, những vị ẩn tu làm nhà nguyện kính Đức Mẹ, dâng lễ và đọc sách nguyện kính Mẹ. Từ năm 1726, Giáo hội hoàn vũ bắt đầu mừng lễ kính Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ Núi Camêlô.
Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương (22-8). Khi được sai đến truyền tin cho trinh nữ Maria, sứ thần Gáp-ri-en loan báo người con của trinh nữ sẽ nhận ngai vàng vua Đa-Vít và Người sẽ cai trị đến muôn đời (Lc 1:32). Còn bà Êlisabét thì cất tiếng ngợi khen: Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi (Lc 1:43). Nhận thức rằng vương mẫu của Mẹ là việc tham dự vào vương quyền của Con Mẹ là Đức Giêsu, mà Đức Giáo hoàng Piô XII cho thiết lập lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương.
Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria (8-9). Thánh kinh không ghi lại ngày sinh nhật của trinh nữ Maria. Giáo hội chọn ngày 8 Tháng 9 như là ngày sinh nhật của trinh nữ Maria để cho phù hợp với biến cố truyền tin cho trinh nữ vào ngày lễ Mẹ Vô nhiễm nhằm ngày 8 Tháng 12, nghĩa là chín tháng cưu mang của Mẹ. Giáo hội đã mừng lễ sinh nhật của mẹ Maria ngay từ thế kỉ thứ 6.
Lễ Kính Danh Thánh Đức Maria (12-9). Đây là lễ đối chiếu với lễ Kính Danh Thánh Chúa Giêsu. Tại một số quốc gia vào một thời điểm của lịch sử, tên Maria được nhiều bà mẹ dùng để đặt cho con gái trong các gia đình công giáo. Đặc biệt hơn, người ta còn dùng tên Maria làm tên thánh bổn mạng khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội hay Thêm sức nữa.
Lễ Đức Mẹ Sầu bi (15-9). Lễ này được thiết lập ngay sau lễ Suy tôn Thánh Giá, để ghi nhớ việc Đức Mẹ đứng bên Thánh Giá, tham dự vào cuộc khổ nạn của con Mẹ là Đức Giêsu, như ông Simêon tiên đoán: Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà (Lc 2:35) và như khi Mẹ đứng bên thánh giá đau đớn nhìn Con chịu khổ nạn (Ga 19:26-27).
Lễ Đức Mẹ Mân Côi (7-10). Chuỗi kinh Mân Côi được cổ võ do nhóm môn đệ của thánh Đôminicô trong Cộng đoàn Mân Côi. Tới thế kỉ thứ mười sáu thì chuỗi Kinh mân Côi gồm có mười lăm mầu nhiệm. Năm 1573 Đức Giáo hoàng Piô V thiết lập lễ Đức Mẹ Mân Côi để ghi nhớ cuộc chiến thắng của đạo quân Kitô giáo tại Lipanta nhờ việc đọc kinh lần hạt Mân Côi. Sau này vào năm 1716 lễ này được mừng kính trong khắp Giáo hội công giáo. Công trình cứu chuộc của Chúa qua những giai đoạn nhập thể, giáng sinh, sinh sống, khổ nạn, phục sinh và lên trời được tóm lược trong kinh Mân Côi.
Việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng là để giúp người đọc suy gẫm về mầu nhiệm của chục kinh đang đọc. Ví dụ khi đọc chuỗi kinh Thứ ba của Năm Mầu nhiệm Vui, miệng cứ lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, còn lòng trí suy niệm về Mầu Nhiệm Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá khó nghèo vì không tìm được quán trọ. Rồi ta xin cho được ơn sống tinh thần nghèo khó, nghĩa là sống tinh thần siêu thoát, không để lòng trí dính bén vào của cải vật chất, mặc dù có thể có nhiều của cải. Hoặc khi đọc chuỗi kinh Thứ hai của Năm Mầu Nhiệm Mừng, miệng cứ lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng, còn lòng trí suy ngắm về mầu nhiệm Đức Chúa Giêsu lên Trời, và xin cho được ái mộ những sự trên trời. Ái mộ những sự trên trời là ái mộ Mười Giới răn, Tám Mối Phúc Thật và những giá trị Phúc âm như: chân thật, công chính, thanh liêm, ngay thẳng, vị tha, bác ái. Năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô thêm vào chuỗi Kinh Mân Côi Năm Mầu Nhiệm Ánh Sáng nữa.
Lặp lại Kinh Lạy Cha, kinh mà chính Chúa Giêsu dạy (Mt 6:9-13; Lc 11:2-4), Kinh Sáng Danh và lặp đi lặp lại Kinh Kính mừng, phần trước trích từ Thánh kinh: Mừng vui lên, chào trinh nữ đầy ân phúc (Lc 1:28), vì trinh nữ được đẹp lòng Chúa, nghĩa là Chúa ở cùng trinh nữ (c. 30), phần sau là lời cầu xin ơn còn có tác dụng tâm lí là khi lặp đi lặp lại mãi rồi người ta cũng cảm và rồi cũng tin, áp dụng theo phương pháp tự kỉ ám thị về điều có ghi chép trong Thánh kinh. Vả lại khi người ta không có đủ từ ngữ để cầu nguyện và diễn tả tâm tình của mình với Đấng tối cao, thì người ta cần lặp đi lặp lại kinh nguyện có sẵn.
Đọc kinh Mân côi là việc cầu nguyện đơn giản. Ai cũng có thể cầu nguyện theo chuỗi kinh Mân Côi: già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, người học cao, người ít học. Ngoài ra bất cứ ở đâu: nhà tư, phòng riêng, nhà thờ, công viên, đi xe, đi bách bộ, ngồi trên máy bay và bất cứ lúc nào: sáng, trưa, chiều, tối, đêm, ngày người tín hữu cũng có thể cầu nguyện theo chuỗi kinh Mân Côi. Có linh mục kia có thói quen khi lên máy bay, lúc máy bay cất cánh và hạ cánh, thường cầm sâu chuỗi trong tay cầu nguyện xin Chúa cho máy bay được cất cánh, hạ cánh an toàn để giúp mình nhớ đến Chúa, đặt tin tưởng cậy trông phó thác vào quyền năng Chúa.
Lễ Đức Mẹ Guadalupê (12-12). Bước đi bên đồi Tepeyec, thuộc Mễ Tây Cơ, một người thổ dân da đỏ có tên Juan Diego nghe tiếng nhạc tuyệt vời giống như tiếng chim hót. Rồi một người nữ giống người thổ dân da đỏ, bận giống công chúa Aztec hiện ra trong đám mây toả sáng. Người nữ nói bằng tiếng thổ dân Da đỏ và bảo Juan Diego đến xin vị giám mục sở tại xây một nhà nguyện ở đây. Đức giám mục bảo Juan Diego xin với người nữ một dấu hiệu nào đó. Người nữ đưa bó hoa hồng bảo gói trong áo choàng của Juan Diego rồi đem đến cho Đức giám mục. Khi Juan Diego mở áo choàng trước mặt vị giám mục, hoa hồng rơi xuống đất và Đức giám mục thấy hình Đức Mẹ in trên áo choàng của Juan giống như áo lúc Đức Mẹ bận mà hiện ra trước kia. Việc Đức Mẹ hiện ra với người thổ dân da đỏ là một bằng chứng hùng hồn cho thấy Thiên Chúa muốn cho Đức Mẹ đến với mọi dân tộc. Việc Đức Mẹ hiện ra còn là một niềm an ủi cho người dân bản xứ đã bị dân đô hộ đối xử tàn tệ. Theo sử sách ghi chép lại, có đến chín triệu người dân bản xứ da đỏ trở lại đạo công giáo trong một thời gian vắn.
Thêm vào các lễ được kể trên, còn có lễ kính Đức Mẹ vào các ngày Thứ Bảy. Đặc biệt Thứ Bảy sau Lễ Mình Máu Thánh Chúa và ngay sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Những lễ kính Đức Mẹ cho thấy việc kính Đức Mẹ là đặc tính của người công giáo. Ngoài ra một số giáo hội địa phương còn thiết lập những ngày lễ kính Mẹ hiện ra tại địa phương như tại Việt Nam, có lễ kính Đức Mẹ La Vang vào dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời. Lịch sử và sứ điệp Mẹ La Vang được ghi trong bài diễn giảng lễ Đức Mẹ Lên Trời, Năm C trong tập sách này.
Hôm nay lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cũng nhằm vào ngày đầu năm mới dương lịch, ta nên dùng ít thời giờ yên lặng, để suy niệm như Mẹ Maria, nhìn lại quá khứ, xét lại mối liên hệ của mình với Chúa, cảm tạ đội ơn Chúa về tất cả những hồng ân Chúa đã ban, đánh giá việc ta có mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa và ý Chúa như thế nào? Trước thềm năm mới, xin Chúa tha thứ những lỗi lầm, những thiếu xót trong năm cũ. Ta cũng không quên cảm tạ đội ơn Chúa về những ân huệ ta nhận được trong năm cũ. Nếu chỉ phàn nàn kêu trách về những rủi ro, bất hạnh, mắt ta sẽ bị che đậy, không còn nhìn thấy những điều may mắn và chiều sáng của cuộc đời. Do đó ta có thể nảy ra thái độ tiêu cực bất mãn.
Ta cũng có thể làm những quyết định sửa đổi trong năm mới, chẳng hạn quyết định bỏ một nết xấu như tính hay nóng giận, gây bất hoà với người khác. Có những người quyết định bỏ một thói quen có thể làm hại đến sức khoẻ trong tương lai như hút sách, nghiện ngập, hay một thói quen có thể làm đổ vỡ gia đình như đam mê cờ bạc chẳng hạn. Có như vậy mỗi năm thêm tuổi, ta mới thêm được gì hữu ích cho bản thân và đời sống.
Ta cũng cần hướng về tương lai, mặc dầu không biết chắc tương lai sẽ ra thế nào và đi về đâu. Tuy nhiên cũng như Mẹ Maria, ta phải đặt niềm tin cậy và phó thác vào chương trình quan phòng của Thiên Chúa.
Lời cầu nguyện xin Mẹ cầu thay nguyện giúp:
Lạy Mẹ Maria!
Mẹ đã hiện ra tại nhiều nơi trên thế giới
để nhắn nhủ loài người sống theo đường lối của Chúa,
và cũng để an ủi con cái loài người,
trong cảnh khó khăn quẫn bách.
Mẹ đã được tôn vinh bằng nhiều tước hiệu khác nhau
để con cái loài người với những nhu cầu riêng tư,
có thể chạy đến kêu xin cùng Mẹ.
Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho con cái Mẹ
còn ở trần gian này. Amen.
Lm Trần Bình Trọng
___________________________
-
Niên hiệu, biến cố và con số trích từ: Hành Hương Lộ Đức, Giáo xứ Việt Nam Paris do Dân Chúa Mỹ Châu xuất bản. 1988
-
Niên hiệu, biến cố và con số tới đây trích từ : Hành Hương Fatima, Giáo xứ Việt Nam Paris do Dân Chúa Mỹ Châu xuất bản. 1988