Sống tinh thần Mùa Thường Niên 1
‘Ngoài những mùa phụng vụ có đặc tính riêng biệt, còn lại 33 hoặc 34 tuần trong chu kì năm phụng vụ. Trong các tuần lễ này, Giáo Hội không cử hành một khía cạnh nào đặc biệt về mầu niệm Chúa Kitô, mà lại tôn kính chính mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế trong toàn bộ, nhất là trong các ngày Chúa Nhật. Thời gian này gọi là Mùa Thường Niên ’. Đoạn trên trích từ Niên Lịch Phụng Vụ 2012, của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kì).
Mùa Thường niên được chia làm hai phần: Mùa Thường Niên I và II. Lễ phẩm trong Mùa Thường Niên 1 và 2 là màu xanh lá cây, tượng trưng cho niềm hi vọng. Hi vọng là một trong 3 nhân đức tối thấn của người tín hữu: tin, cậy (hi vọng), mến. Hi vọng là lẽ sống của người tín hữu. Còn hi vọng là người ta còn cầu nguyện. Hết hi vọng, người ta cũng thôi cầu nguyện.
Mùa Thường Niên 1 bắt đầu từ Thứ Hai sau Chúa Nhật Chúa lãnh Phép Rửa, hoặc theo sau 06 Tháng 1 cho tới hết Thứ Ba trước Thứ Tư Lễ Tro. Trong Mùa Thường Niên 1, giáo hữu Việt Nam thường mừng ngày Tết Nguyên Đán. Đôi khi có những năm, Tết Nguyên Đán đến trễ vào ngay đầu Mùa Chay.
Tết Nguyên Đán là ngày lễ nghỉ mang sắc thái văn hoá dân tộc. Tuy nhiên người Công Giáo cần đem ý nghĩa tôn giáo vào việc mừng Tết, có nghĩa là công nhận Thiên Chúa là Chúa của ngày Tết, Chúa của Xuân, Hạ, Thu, Đông, Chúa của tứ thời bát tiết, Chúa của thời giờ, năm tháng và đem Chúa vào việc mừng Xuân mới sang. Người Công Giáo được khuyến khích và nhắc nhở để đem ý nghĩa tôn giáo, ý nghĩa thiêng liêng vào việc đón xuân.
Để áp dụng thực hành, Hội Ðồng Giám Mục VN quy định những ý chỉ cầu nguyện cho các ngày Tết như sau:
(1) Lễ Tất Niên: Ngày tạ ơn Thiên Chúa cho năm cũ: tạ ơn cho thời giờ, năm tháng và ân huệ Chúa đã ban, đồng thời xin Chúa tha thứ những lỗi lầm, những thiếu sót trong năm cũ.
(2) Lễ Giao Thừa: Ngày cầu bình an cho Năm Mới: cho Quê Hương, Giáo Hội, cho cá nhân và gia đình. Bình an không chỉ hiểu theo nghĩa vắng bóng chiến tranh bằng súng đạn, nhưng còn là bình an trong tâm hồn.
(3) Lễ Tân Niên: Ngày xin ơn đổi mới tâm hồn và đời sống trong Năm mới.
(4) Lễ Mồng Hai Tết: Ngày kính nhớ và cầu nguyện cho Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ. Truyền thống lễ giáo Việt Nam dạy con cái phải thảo kính ông bà cha mẹ qua những câu ca dao như: “Công cha như núi thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng tôn kính mẹ cha. Cho tròn chữ hiếu mới là con ngoan”. Truyền thống Do Thái giáo cũng tương tự như truyền thống Việt nam xét về chữ hiếu. Sách Huấn Ca chứa đựng những lời khuyên dạy thực tế mà người Do thái trong Cựu ước đã thu tích được để giúp con cháu sống theo gương đạo hạnh, công đức (Hc 44:10) của tiền nhân. Sách Huấn Ca là một trong 46 cuốc sách Thánh Kinh Cựu Ước và 27 cuốn Thánh Kinh Tân Ước của Giáo Hội Công Giáo.
(5) Lễ Mồng Ba Tết : Ngày xin ơn thánh hoá công ăn việclLàm. Người Công Giáo làm việc không phải chỉ vì việc làm, mà coi việc làm chỉ là phương tiện để giúp thăng tién hoá đời sống, chứ không coi việc làm như là cùng đích và cứu cánh.
Quan niệm của dân gian Việt Nam về Ông Trời là Thượng Đế, Đấng Hoá Công, Đấng tạo thành trời đất, loài người và muôn vật, vận hành sự xoay chuyển vũ trụ, điều khiển vận mạng con người và thưởng phạt người lành người dữ.
Vua Trần Nhân Tông, sau khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh bại Quân Nguyên-Mông 2 lần vào năm 1285 và 1288 đã rời bỏ ngôi báu để vào rừng núi Vũ Lâm, Tỉnh Ninh Bình tu trì, rồi lên núi Yên Tử, Tỉnh Quảng Ninh để tu khổ hạnh theo Phật học. Trong bài “Động Thiên hồ cảnh”, Vua Trần Nhân Tông đã công nhận quyền năng của Thượng Đế khi viết: “Thượng Đế liên sầm tịch” mà David Trần chuyển ý là Thượng Đế thương hồ lạnh. Còn Cung Oán Ngâm Khúc thì phàn nàn về Thượng Đế: “Hoá Công sao khéo trêu ngươi” và Thuý Kiều lại than trách Thượng Đế: “Phũ phàng chi bấy Hoá Công”.
Quan niệm chung của dân Việt về Ông Trời còn lưu hành câu ca dao: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”. Có nơi đọc câu cuối là: “Lấy con tôm to”. Đại thi sĩ Nguyễn Du còn tạ ơn Trời bằng cách đặt vào miệng Kim Trọng vần thơ bất hủ khi gặp lại được Thuý Kiều: “Trời còn để có hôm nay”, nghĩa là Trời còn để cho Kim Trọng và Thuý Kiều có ngày gặp nhau. Những thành ngữ về Ông Trời còn lưu lại như sau: Trời không phụ người có đạo; Trời không phụ người có nhân; Trời không phụ người có nghĩa; Đạo Trời không phụ lòng người. Dân gian Việt Nam còn truyền tụng những câu nói về Ông Trời như: “Trời có mắt” hoặc “Trời sinh voi sinh cỏ”.
Ông Trời đó của dân gian Việt Nam, những người theo Đạo Trời, cũng là Chúa Trời - Thiên Chúa - của người Công Giáo nói riêng và Thiên Chúa Giáo nói chung. Thiên Chúa tạo dựng loài người với những nhu cầu thể chất, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Và Thiên Chúa ban cho loài người trí óc và đôi bàn tay làm việc để đáp ứng nhu cầu sinh tồn và để phát triển con người. Như vậy người Công Giáo không làm việc một cách lẻ loi, nhưng làm việc kết hợp với việc làm của Đức Kitô, để xin Chúa giúp tìm ra ý nghĩa và mục đích của công việc làm và xin Chúa thánh hoá công việc làm.
Vào dịp đầu năm mới, người tín hữu tạ ơn Chúa Trời về những hồng ân Chúa đã ban trong năm cũ và xin Chúa chúc lành cho năm mới.
Lm Trần Bình Trọng