HÀ NỘI 11-3 (TH) - Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) thỏa thuận cấp tín dụng $540 triệu USD để thực hiện dự án xe điện ngầm hầu giải quyết nạn kẹt xe kinh niên vẫn diễn ra suốt nhiều năm qua ở thành phố Sài Gòn.
Toàn thể dự án tốn phí khoảng $1.37 tỉ USD, theo các bản phúc trình khác nhau của nhà cầm quyền phổ biến trong buổi ký kết cấp phát tín dụng hôm Thứ Sáu 11 tháng 3 năm 2011.
Dự án sẽ bắt đầu khởi công từ năm 2012 và đến năm 2016 thì sẽ chạy thử nghiệm, bản thông cáo báo chí của ADB cho hay.
“Chúng tôi hoàn toàn hiểu cái thử thách thật sự là thay đổi định kiến của con người”. Ayumi Konishi, giám đốc văn phòng Việt Nam của ADB phát biểu. “Chúng tôi thành thật hy vọng phương tiện chuyên chở công cộng hậu thuẫn cho cư dân thành phố Sài Gòn khi phương tiện vận chuyển rẻ hơn sẽ tạo thêm cơ hội kinh doanh, giảm kẹt xe, và cải thiện phẩm chất đời sống.”
Bên cạnh ADB, Ngân Hàng Ðầu Tư Âu Châu (European Investment Bank) sẽ cấp tín dụng $150 triệu Euros (khoảng $206 triệu USD) cho dự án nói trên, theo bản tin của nhà cầm quyền.
Kreditanstalt fuer Wiederaufbau, ngân hàng phát triển quốc doanh Ðức, hồi đầu tháng này cũng đã thỏa thuận viện trợ cho dự án nói trên $10 triệu Euros và cấp $18 triệu Euros tín dụng. Ngân khoản này là một phần trong kế hoạch của chính phủ Ðức cung cấp cho Việt Nam $85.75 triệu Euros viện trợ không hoàn lại và cấp tín dụng $155 triệu Euros tài trợ dự án xây dựng đường rầy ngầm.
Ðường tàu điện ngầm dài 19 km (12miles) là đường xe điện ngầm thứ hai và là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm đối phó với nạn kẹt xe trong thành phố. Cứ giờ tan sở là các đường phố chính như nêm cối vì quá nhiều xe gắn máy.
Thành phố Sài Gòn với hàng triệu chiếc xe gắn máy nên kẹt xe kinh niên mỗi ngày. Ðã vậy, các đường phố còn bị đào bới lung tung cho các dự án sửa chữa, lắp ráp cống thoát nước, cáp ngầm, v.v. quanh năm lại càng làm cho nạn kẹt xe thêm khốn khổ. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Xe gắn máy được sản xuất thả giàn ở Việt Nam nên gia đình nào cũng cố gắng sắm cho bằng được chiếc xe gắn máy làm phương tiện di chuyển. Thành phố Sài Gòn, bởi vậy, ngập trong khói xe, tổn hại sức khỏe. Có hơn 70% các tai nạn xe cộ ở Việt Nam liên quan đến xe gắn máy, theo thống kê.
Nhà cầm quyền thành phố dự tính xây dựng một hệ thống đường rầy vận chuyển công cộng trong thành phố với ngân khoản dự trù lên khoảng $7.5 tỉ USD từ nay đến năm 2020. Phỏng định đến 84% ngân khoản tài trợ đến từ các nhà tài trợ ngoại quốc.
Cho đến nay, tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) khởi công xây dựng vào đầu năm 2008, tổng chiều dài 19.7 km (trong đó có 2.6 km đi ngầm, 17,1 km đi trên cao) đang có nhiều dấu hiệu trễ hạn vì vấn đề giải tỏa đền bù gặp khiếu nại, chống đối. Công trình đi qua lần lượt các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Ðức và một đoạn thuộc huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với 14 nhà ga, trong đó có 3 ngầm và 11 ga trên cao. Tổng vốn đầu tư theo phê duyệt ban đầu là 1.09 tỷ USD được thực hiện từ nguồn vốn vay ODA.
Theo ban quản lý đường sắt đô thị thành phố, trong 5 quận có liên quan, hiện mới có quận Bình Thạnh phần lớn hoàn tất giải tỏa đến bù. Tính đến cuối tháng 8 năm 2010, mới có trên 372/2,168 hộ dân thuộc diện giải tỏa nhà đất chấp nhận giao đất, chiếm tỉ lệ hơn 17%.
Người Việt Online