VATICAN. Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn chúc mừng các tín đồ Phật giáo nhân dịp lễ Vesakh, đồng thời cổ võ các tín hữu Kitô và Phật giáo cùng tìm kiếm hòa bình, chân lý và bênh vực tự do tôn giáo.
Đối với tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ Vesakh kính nhớ các biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Phật như đản sinh, thành đạo, viên tịch và nhập niết bàn. Tại các nước theo Phật giáo Đại Thừa, như Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc, các biến cố trên đây được mừng vào những ngày khác nhau.
Trong sứ điệp tựa đề “Trong tự do, tìm kiếm chân lý: các tín hữu Kitô và Phật tử sống trong an bình” công bố hôm 31-3-2011, ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, viết:
“Dưới ánh sáng của sự trao đổi thân hữu với nhau, như trong quá khứ, tôi muốn chia sẻ với các bạn một vài xác tín của chúng tôi với hy vọng củng cố những quan hệ giữa các cộng đoàn chúng ta. Trước tiên tôi nghĩ đến quan hệ giữa hòa bình, chân lý và tự do. Điều kiện thiết yếu để theo đuổi một nền hòa bình chân chính là dấn thân tìm kiếm chân lý. Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ tự nhiên phải tìm kiếm chân lý, theo đuổi và sống một cách tự do theo chân lý (Xc Công đồng chung Vatican 2, Tuyên ngôn về tự do tôn giáo 'Dignitatis Humanae', 1). Sự hướng đến chân lý như thế mang lại cho tín đồ các tôn giáo khác nhau cơ hội gặp gỡ trong chiều sâu và tăng trưởng trong sự quí trọng các năng khiếu của mỗi người”.
ĐHY Tauran cũng bày tỏ xác tín “Trong thế giới hiện nay, đang phải chịu ảnh hưởng của những hình thức chủ nghĩa duy thế tục và cực đoan, nhiều khi thù nghịch với tự do chân thực và các giá trị tinh thần, cuộc đối thoại liên tôn có thể là một giải pháp khác, nhờ đó chúng ta tìm được con đường tốt đẹp nhất để sống trong an bình và cùng nhau hoạt động cho công ích. Như ĐGH Biển Đức 16 đã nói, “đối với Giáo Hội, đối thoại giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau là phương thế quan trọng để cộng tác với tất cả các cộng đồng tôn giáo hầu mưu công ích” (Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới 2011, n.11). Cuộc đối thoại như thế cũng là một sự thúc đẩy mạnh mẽ để tôn trọng các quyền căn bản của con người về tự do lương tâm và tự do phụng tự. Hễ nơi nào tự do tôn giáo được thực sự nhìn nhận, thì phẩm giá con người được tôn trọng trong nền tảng của nó; nhờ sự chân thành tìm kiếm những gì là chân và thiện, lương tâm và các tổ chức dân sự được củng cố; công lý và hòa bình được thiết lập vững chãi” (Xc Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới 2011, n.5).
Sau cùng, ĐHY Tauran cho biết các tín hữu Công Giáo cầu nguyện để việc cử hành lễ Vesakh là một nguồn mạch mang lại sự phong phú tinh thần và là cơ hội để tái đẩy mạnh việc tìm kiếm sự thật và sự thiện, để bày tỏ lòng từ bi đối với tất cả những người đang đau khổ và cố gắng cùng nhau sống trong hòa hợp”.
G. Trần Đức Anh OP