TTO - Sáng 9-4, các thành viên trong hội đồng chữa trị vết thương rùa Hồ Gươm cho biết theo kết quả phân tích tác nhân gây bệnh trong các phòng thí nghiệm, rùa Hồ Gươm chỉ bị viêm loét ngoài da.
Những vết thương của rùa hồ Gươm không nghiêm trọng như nhiều người lo lắng - Ảnh: Anh Tuấn Nguyễn
Qua phân tích mẫu từ việc thăm khám rùa Hồ Gươm, các chuyên gia chỉ thấy có bốn loài vi khuẩn và một loài nấm, những loài có nhiều trong lớp bùn đáy hoặc trong nước.
Theo các thành viên trong hội đồng chữa trị vết thương rùa Hồ Gươm, sau 5 ngày điều trị những vết thương ở mai và chi trước, rùa đã có dấu hiệu bình phục.
Tiến sĩ Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm, cho biết: “Kết quả phân tích ADN ở những phòng thí nghiệm cho thấy, bên trong cơ thể cụ rùa không có trọng bệnh. ADN cho thấy 90% những phán đoán ban đầu của chúng tôi về tình hình sức khỏe cụ rùa là đúng. Từ mẫu AND, các nhà phân loại học cũng cho biết đây là loài mới ở Việt Nam, khác hẳn với loại rùa mai mềm ở Thượng Hải, Trung Quốc như nhiều người nghĩ”.
Những vết thương của rùa hồ Gươm không nghiêm trọng như nhiều người lo lắng - Ảnh: Anh Tuấn Nguyễn
Theo ông Tề, điều những người trong hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm lo lắng nhất hiện nay không phải là sức khỏe của cụ rùa mà là môi trường nước trong hồ Gươm. Vì nước trong hồ hiện nay có nhiều loại tảo và nấm độc có thể gây hại cho cơ thể Rùa sau khi thả về môi trường tự nhiên. Lượng bùn dưới đáy hồ cũng rất lớn, khó có thể nạo vét xong trong thời gian ngắn.
Phác đồ điều trị cho cụ rùa gồm 9 bước:
Bước 1: Chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết (đã tiến hành từ trước đến giờ)
Bước 2: “Đánh bắt” rùa lên cạn
Bước 3: Đưa rùa vào bể xử lý bệnh, đủ lượng nước sạch, phù hợp để tránh gây sốc do thay đổi điều kiện sống của rùa
Bước 4: Lấy mẫu bệnh phẩm để tìm tác nhân gây bệnh. Quá trình này cũng cần kết hợp phân loại hình thái, xác định giới tính, thu mẫu ADN để có các hoạt động nghiên cứu sau này.
Bước 5: Xử lý các vết thương cho rùa và dùng bài thuốc an toàn đã được kiểm chứng sơ bộ.
Bước 6: Phân tích tác nhân gây bệnh và xây dựng phác đồ điều trị.
Bước 7: Quyết định chủng loại thuốc, tính toán liều lượng thuốc cần dùng và lên phác đồ chữa trị.
Bước 8: Sau khi kết thúc dùng thuốc, đưa rùa ra bể nuôi dưỡng một thời gian (tùy thuộc vào các điều kiện thực tế) để tiếp tục theo dõi.
Bước 9: Trả rùa về hồ sau khi đã làm sạch môi trường theo phương án 1.
T.HOÀNG / Nguồn: Tuổi Trẻ